Con nuôi có quyền hưởng di sản và vấn đề thừa kế thế vị khi chia di sản
Câu hỏi: Tôi tên là Hoài, sinh năm 1993, hiện tôi đang sinh sống ở Tp. Hồ Chí Minh. Kính nhờ Luật sư tư vấn trường hợp của gia đình tôi như sau:
Gia đình tôi gồm có 6 người: ba mẹ, anh trai (Hiểu, sinh năm 1989), tôi, em gái (Hợp, sinh năm 2000); ba mẹ tôi có một người con nuôi (Khang, sinh năm 1997).
Vào tháng 2/2017, Ba mẹ và anh trai tôi đều mất trong một tai nạn trên đường về quê. Ba mẹ tôi có tài sản là: một căn nhà tại quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh, một căn nhà tại quận 11, Tp. Hồ Chí Minh, một căn nhà tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An, hai xe gắn máy và một chiếc xe tải chở hàng.
Ba mẹ tôi đã mua cho vợ chồng anh trai một căn nhà tại quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh, anh trai tôi có một người con năm nay mới 2 tuổi. Vào năm 2015, ba mẹ tôi có lập di chúc (có công chứng) để lại căn nhà tại Quận 11 cho tôi và căn nhà tại quận Tân Bình cho em gái tôi. Trước giờ tôi vẫn sống chung với ba mẹ và hai em tại quận Tân Bình, còn căn nhà tại Quận 11 thì ba mẹ đang cho thuê, căn nhà ở Long an do bà Nội đang ở; ông nội và ông bà ngoại mất đã lâu.
Nay em Khang, con nuôi của ba mẹ tôi muốn phân chia di sản thừa kế, Luật sư cho tôi hỏi: những tài sản ba mẹ tôi đã lập di chúc cho tôi và em gái tôi thì sẽ được chia theo di chúc là tôi được hưởng toàn bộ căn nhà Quận 11, còn em gái tôi được hưởng toàn bộ căn nhà quận Tân Bình phải không? Còn những tài sản ba mẹ tôi không lập di chúc thì sẽ chia như thế nào, em Khang là con nuôi của ba mẹ tôi vậy em có được chia thừa kế các tài sản đó hay không?
Cảm ơn Luật sư đã dành thời gian tư vấn cho trường hợp của tôi, kính chúc luật sư sức khỏe và thành công, trân trọng!
Giải đáp: Luật sư Hãng Luật Lâm Trí Việt tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định tại Điều 650 bộ luật dân sự 2015:
“1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”
Như vậy, trường hợp của gia đình bạn, đối với những tài sản ba mẹ bạn có lập di chúc thì tài sản đó sẽ được phân chia theo di chúc, còn những tài sản không được định đoạt trong di chúc thì sẽ được chia theo pháp luật.
* Đối với những tài sản có lập di chúc thì phải tính đến các trường hợp sau:
- Di chúc được lập có hợp pháp hay không, người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản (Điều kiện di chúc hợp pháp điều 630, từ chối nhận di sản thừa kế điều 620, người không được quyền hưởng di sản điều 621).
- Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
+ Điều 644 bộ luật dân sự 2015 quy định về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”
* Đối với những tài sản không được định đoạt trong di chúc sẽ được chia theo pháp luật: chia theo hàng thừa kế, trong đó hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết (khoản 1, Điều 651).
* Con nuôi có quyền hưởng di sản:
Điều 653 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.
* Thừa kế thế vị:
Điều 652 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Tóm lại, từ những quy định pháp luật mà chúng tôi đã đề cập ở trên, thì những thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ba bạn gồm có: bà nội, em Hợp, Khanh, bạn và người con của anh trai (hưởng thế vị); những thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ bạn gồm có: em Hợp, Khanh, bạn và người con của anh trai (hưởng thế vị).
Trong đó em Hợp (chưa thành niên) và bà nội là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất thì những người đó vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật.
Vì vậy, để xác định được phần thừa kế của mỗi người là bao nhiêu và phần di sản không được định đoạt trong di chúc có đủ để phân chia cho những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định pháp luật hay không, bạn cần phải cung cấp hồ sơ cho luật sư và tiến hành định giá tài sản thì mới phân chia di sản được.
Trên đây là ý kiến tư vấn của luật sư, trong trường hợp có tình tiết mới bạn cần liên hệ luật sư để được tư vấn thêm nhằm đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của bạn.
Lưu ý: Bài viết nêu trên là ý kiến tư vấn của Luật sư, Luật gia, Chuyên gia pháp lý uy tín, giàu kinh nghiệm thuộc Hãng Luật Lâm Trí Việt. Tuy nhiên, nội dung bài viết chỉ mang tính chất định hướng, tham khảo vì lý do vụ việc cụ thể của mỗi Khách hàng có điểm khác biệt hoặc các văn bản pháp luật dẫn chiếu có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm Khách hàng tham khảo bài viết. Quý Khách hàng không nên tự ý áp dụng văn bản hoặc bài viết khi chưa có ý kiến chính thức của Luật sư. Quý Khách hàng vui lòng liên hệ với Luật sư qua Đường dây nóng Luật sư: 0868 518 136 – 098 445 3801 hoặc Email: hangluatlamtriviet@gmail.com
- Giấy vay tiền viết tay có giá trị hay không (03.12.2018)
- Điều kiện tuyên bố chết (03.11.2017)
- Điều kiện tuyên bố mất tích (03.11.2017)
- Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (03.11.2017)
- Quyền của cá nhân đối với hình ảnh (03.11.2017)
- Quyền thay đổi họ tên (03.11.2017)
- Giám hộ là gì? Thủ tục đăng ký Giám hộ ra sao? (05.09.2017)
- Quy định pháp luật dân sự về sở hữu chung (28.08.2017)
- Thời hiệu chia Di sản thừa kế kể từ năm 2017 (16.08.2017)
- Con riêng của vợ có được hưởng di sản của cha dượng hay không? (16.08.2017)